BỆNH MÃN TÍNH LÀ GÌ?

Bệnh mãn tính là bệnh tiến triển kéo dài hoặc hay tái phát, thời gian bệnh từ 3 tháng trở lên. Bệnh mãn tính không thể ngừa bằng vắc xin, không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất. Bệnh mãn tính phần lớn là bệnh không lây nhiễm, không do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm gây nên.

Xu hướng bệnh tật thế giới cũng như Việt Nam đang thay đổi, nếu trước đây những bệnh cấp tính lây nhiễm như dịch hạch, sốt rét, nhiễm khuẩn các loại hay gặp thì hiện nay các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, suy giảm chức năng gan đái tháo đường, ung thư ngày càng nhiều và gây tốn kém cho cá nhân và cộng đồng. Vậy, bệnh mãn tính không lây nhiễm là gì, nguyên tắc chữa trị và ngăn ngừa ra sao?

XU HƯỚNG MẮC BỆNH MÃN TÍNH NHƯ THẾ NÀO?

Xu hướng thế giới là bệnh mãn tính không lây nhiễm ngày càng nhiều. Thống kê Bộ Y tế Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ mắc và chết do bệnh lý không lây nhiễm năm 1976 lần lượt là 43%, 45% thì đến năm 2003 các tỷ lệ này là 61%, 59%.

Bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi tác. Riêng nước Mỹ, ước tính đến năm 2049, số tàn tật chức năng do viêm xương khớp, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh mạch vành, ung thư và suy tim tăng ít nhất 300%. Thuật ngữ “mãn tính” có thể có hoặc không trong tên gọi bệnh lý.

CÓ NHỮNG NHÓM BỆNH MÃN TÍNH NÀO?

  1. Ung thư.
  2. Suy thận mãn tính.
  3. Viêm gan mãn tính
  4. Bệnh nội tiết: béo phì, đái tháo đường…
  5. Bệnh lý tâm thần kinh: sa sút trí tuệ, trầm cảm…
  6. Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh mạch máu não…
  7. Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ, xơ cứng bì, vẩy nến…
  8. Bệnh xương khớp mãn tính: viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, thoái hóa khớp, loãng xương…
  9. Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
  10. Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mạn, hen và khí phế thũng…

GÁNH NẶNG CỦA BỆNH MÃN TÍNH LÀ GÌ?

Bệnh mãn tính hiện nay là nguyên nhân tử vong và tàn tật chính trên thế giới. Các bệnh mãn tính không lây nhiễm chính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp chiếm 57% trong 59 triệu tử vong hàng năm và 46% gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Mỗi năm, nhồi máu cơ tim gây chết 7,2 triệu người, đột quỵ (nhồi máu não và xuất huyết não) gây chết 5,5 triệu người còn tăng huyết áp và các bệnh tim khác gây chết 3,9 triệu người.

Hiện nay thế giới có hơn một tỉ người cân nặng vượt chuẩn và ít nhất 300 triệu người bị béo phì.

Ước tính có 177 triệu người mắc bệnh tiểu đường, phần lớn là tiểu đường tuýp 2 và 2/3 người mắc bệnh tiểu đường sống tại các nước đang phát triển.

Khoảng 75% bệnh tim mạch do các yếu tố chính sau gây ra: loạn mỡ máu, tăng huyết áp, ít ăn rau và trái cây, ít vận động thân thể và hút thuốc lá.

Nằm trong số 10 yếu tố nguy cơ gánh nặng bệnh tật toàn cầu theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2002: béo phì, tăng huyết áp, loạn mỡ máu, uống rượu và hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh mãn tính.

Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên, có 75% người mắc ít nhất một loại bệnh mãn tính và 50% mắc ít nhất 2 loại bệnh mãn tính.

TẠI SAO LẠI MẮC BỆNH MÃN TÍNH?

Do sự tác động lâu dài của các yếu tố (Các độc tố, quá tải chức năng, tuổi tác, thói quen sinh hoạt, tâm sinh lý…) đến cơ thể gây suy giảm, thoái hóa, rối loạn các chức năng sống của cơ thể.

Nguyên lý điều trị bệnh mãn tính là gì?

Tác động tích cực giúp cơ thể phục hồi các chức năng sống để trở về trạng thái hoạt động bình thường phù hợp với sinh lý, tuổi tác và môi trường sống.

Nguyên tắc chữa trị bệnh mãn tính như thế nào?

– Đặc điểm nổi bật trong điều trị bệnh mãn tính là áp dụng những chế độ kiểm soát bệnh lâu dài nhằm phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng sống và hạn chế tối đa biến chứng thực thể và chức năng.

– Nên bắt đầu bằng tập luyện, phục hồi chức năng, thay đổi lối sống dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc có nguồn gốc tự nhiên. Đây là những biện pháp an toàn, không gây tác dụng phụ và phù hợp sinh lý.

– Chỉ dùng thuốc Tây khi thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sỹ.

– Nâng cao kiến thức cho người bệnh để tự theo dõi, chăm sóc và kiểm soát bệnh.

– Kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh trong việc áp dụng các chế độ điều trị: theo dõi bệnh, chế độ sinh hoạt, tập luyện, điều chỉnh thuốc.

Phòng bệnh mãn tính như thế nào?

Theo ngạn ngữ cha ông, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đây là giải pháp thông minh và ít tốn kém nhất.

Các biện pháp phòng bệnh mãn tính bao gồm:

  • Ăn nhiều rau và trái cây cũng như đậu và ngũ cốc.
  • Vận động thể lực mức độ trung bình mỗi ngày 30 phút, ít nhất 5 lần mỗi tuần.
  • Chuyển từ ăn mỡ động vật bão hoà sang dầu thực vật chưa bão hoà.
  • Giảm ăn mỡ, muối và đường.
  • Duy trì cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9, tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét).
  • Không hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc.
  • Sàng lọc một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, tiền liệt tuyến, ung thư vú theo độ tuổi tương ứng; ví dụ: đàn ông từ 50 tuổi trở đi nên nội soi đại tràng để phát hiện ung thư đại tràng và xét nghiệm dấu ấn sinh học kháng nguyên tiền liệt tuyến (PSA-Prostate-specific antigen) 3 năm/lần để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến còn phụ nữ từ 50 tuổi trở lên thì tự khám vú hàng tháng một lần và chụp tuyến vú 1-2 năm/lần đối với người có nguy cơ cao.

Khi đã bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút…việc chữa trị giúp bình ổn bệnh, hạn chế biến chứng, giúp người bệnh sinh hoạt bình thường, đặc biệt là giảm chi phí; ví dụ: nếu không kiểm soát tốt tăng huyết áp thì người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim; lúc xảy ra biến chứng, người bệnh không những phải chữa trị tăng huyết áp mà còn thêm chi phí chữa trị nhồi máu cơ tim vốn tốn kém gấp bội và sau khi qua cơn nguy cấp thì chi phí chữa bệnh bao gồm chi phí chữa tăng huyết áp , cao huyết áp và chi phí chữa di chứng nhồi máu cơ tim.

Nguồn: Tổng hợp